“The difference of kind and not of degree” nghĩa là gì?

Chào các bạn,

Hôm trước mình đọc 2 cuốn sách thì thấy câu này được dùng bởi 2 tác giả. Ban đầu mình đọc không hiểu lắm, tra trong từ điển, tra trên mạng cũng thấy giải thích nhưng mình không biết dịch ra tiếng Việt là gì. Mình thì có tật phải dịch được ra thành tiếng Việt, kể cả dài dòng hay không được hay lắm, thì mới thật sự là hiểu và nhớ được. Vì vậy mình sẽ làm một góc nhỏ để ghi chú các cấu trúc tiếng Anh hay. Biết đâu đấy có bạn nào giống mình cũng tìm ý nghĩa của các cụm tiếng Anh hay hay, khó khó như này. 

Đầu tiên mình gặp cụm này trong cuốn “21 Lessons for the 21st Century” của  Yuval Noah Harari

..which make the difference between an AI and a human worker one of kind rather than merely of degree.

Lần thứ hai mình gặp trong cuốn “The Socrates Express: In Search of Life Lessons from Dead Philosophers” của Eric Weiner.

The difference between knowledge and wisdom is one of kind, not degree.

Mình thấy có thể dịch thành “Khác biệt về bản chất, chứ không phải khác biệt về mức độ”. Nghĩa là sao? Trong câu thứ nhất, nó nghĩa là AI và con người là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Chứ không phải AI là phiên bản mô phỏng con người và nó kém hơn chút xíu. Nghĩa là chúng không khác nhau về cấp độ để mà ta có thể so sánh cái nào cao hơn, cái nào thấp hơn. 

Trong trường hợp thứ hai thì ta hiểu là Sự hiểu biết và Sự thông thái cũng khác nhau về bản chất chứ không phải cấp độ. Nghĩa là Sự hiểu biết không phải là phiên bản chưa hoàn chỉnh của sự thông thái. Mà chúng là hai điều hoàn toàn khác nhau, không so sánh cao thấp, hơn kém được.

Ok vậy thôi, hope it helps!

Chỉ một mẹo mà đánh bay đánh”Tính trì hoãn”, “Ngại”, “Phải có hứng mới làm”…

Chào các bạn,

Các bạn có thấy để bắt đầu làm việc thì rất khó, nhưng một khi đã vào guồng thì rất dễ dàng không? Làm sao để ta bắt đầu làm việc? Mình thấy lúc ban đầu hay có mấy cái bẫy tâm lý này. Ta tìm hiểu bệnh trước rồi cách chữa trị sau nhé.

  • Chúng ta chỉ làm việc khi cảm thấy có hứng. Nhưng thường thì chả ai có hứng ngay cả. Như kiểu đi tập gym. Lúc trước khi tới phòng tập thì uể oải buồn ngủ. Nhưng chỉ cần khởi động một xíu là thấy tỉnh táo, sảng khoái, hào hứng hơn. Nên thường là hứng chỉ tới sau khi đã bắt đầu làm.
  • Thường ta trì hoãn tới bước cuối cùng mới làm. Vì sao? Vì trong tiềm thức ta biết việc đó rất tốn thời gian và công sức. Não ta tự biết thế nên nó cố gắng đánh lạc hướng của ta để tiết kiệm công sức. Não không phải sinh vật nghĩ xa trông rộng, là nếu làm xong cái project này thì 3 tháng tới ta có thể xin việc khác lương cao hơn. Mà nó chỉ tính toán sao cho hôm nay bạn vẫn sống tốt, sống khỏeơn thôi. Nếu bạn đề ra mục tiêu phải học hết chương sách này trong ngày hôm nay thì khả năng cao là bạn không làm được. Vì ngay lúcách nghĩ tới “chương sách”, não đã thì thầm “nhiều thế này thì mệt bỏ mọe, thôi dẹp đi mày ơi”. Rồi nó sẽ làm đủ trò đánh lạc hướng và dụ dỗ bạn. Như là “thôi mở trang này xem tí rồi quay lại làm có sao đâu”. Xem xong trang đấy thì lại “mở trang kia một tí nữa thôi”…Vài cái “một tí, một tẹo” đấy ngước lên đã gần nửa đêm méo nó rồi. Mình nói vui vẻ thế thôi, nhưng nếu các bạn đọc các nghiên cứu về thần kinh học thì điều này thực sự xảy ra ở mặt tiềm thức, não tránh cho chúng ta sử dụng quá nhiều năng lượng.
  • Ta có tính cầu toàn. Thực ra điểm này hơi liên quan tới điểm 2. Vì cầu toàn nên ta muốn đã làm cái gì thì cái đó phải ra ngô ra khoai, hoàn hảo long lanh không tì vết như hoa hậu. Vấn đề là để hoàn thành hoàn hảo cái gì thì rất tốn thời gian, công sức, và bạn não sẽ tích cực ngăn cản ta. Thêm nữa, thực tế là làm một phát mà xịn xò luôn thì hiếm lắm. Trừ phi bạn có người cầm tay chỉ việc từng bước nhỏ xíu. Bạn chỉ copy theo người ta thì kết quả còn hên xui. Ví dụ như mình hay xem video nấu ăn chỉ dẫn cặn kẽ từng bước một, thì cũng được vài lần làm ngay lần đầu là thành công luôn. Nhưng đấy là mình cũng phải xem vài lượt video, nghiền ngẫm những bước khó hiểu rồi đấy. Làm một lần thành công ngay chỉ phù hợp với những việc không quá phức tạp, không cần sáng tạo gì, chỉ cần copy paste là xong. Thực ra cầu toàn chỉ là cái mặt nạ cho tính sợ thất bại.

Làm thế nào để giải quyết được mấy cái trên? Đầu tiên ta phải nhận thức được mình đang bị mắc vào cái bẫy nào. Sau đó có chiêu sau mình thấy rất hiệu quả.ất Chỉ một chiêu nhưng dẹp được cả ba cái bẫy một lúc.

– Chia thật nhỏ công việc. Nhỏ tới mức mỗi phần công việc chỉ cần làm trong vòng 5 – 10 phút. Nếu thấy 5 – 10 phút vẫn nhiều thì thành 2 – 3 phút, thậm chí 1 phút, thậm chí 10s nếu bệnh quá nặng =)). Ví dụ để đọc sách thì không nghĩ tới đọc 1 trang. Chia ra đọc từng đoạn. Đọc từng câu. Thậm chí đọc 5 từ đầu tiên thôi. Để bắt đầu viết bài luận, viết một đoạn, hoặc chỉ viết một câu, hoặc viết mỗi 3 từ đầu tiên thôi. Để code, chia thành bước mở IDE, đọc 5 dòng code…Bạn có thể lên Codingame, có phần thi code trong vòng 10 phút. Đây là cách hay để bắt đầu một ngày làm việc.

– Khi không thấy “có hứng” (nhớ là ta chả bao giờ có hứng ngay ban đầu đâu), ta chỉ cần làm một phần nhỏ xíu công việc đã chia như phần trên. Để thuyết phục não về mặt tiềm thức là việc này không tốn thời gian công sức tí nào. Thực sự là vậy, nếu chỉ làm một phần nhỏ xíu đấy thôi, tốn có 2-3 phút thì ai cũng làm được. Rồi tiếp theo nếu ta có hứng thì làm tiếp. Nếu không thì ta nghỉ chút xíu. Cứ liên tục thuyết phục bản thân như thế tới khi “vào guồng”, hoặc “có hứng”. Ví dụ để học bài, chỉ cần tự nhủ mình chỉ đọc mỗi đoạn này thôi xong nghỉ. Mình sẽ đứng dậy uống nước (uống đủ nước rất tốt cho não nhé), đi vệ sinh, quét nhà, dọn bàn học một tí…Rồi sau ta lại làm phần nhỏ tiếp theo. Hoặc thấy đọc một đoạn vẫn nhiều quá thì mình chỉ đọc mỗi câu đầu thôi. Rồi xong nghỉ, đi làm gì một tẹo, rồi đọc tiếp câu sau. Rồi cứ lặp lại như thế.

Cách chia nhỏ này dẹp được cả 3 cái bẫy trên. Kể cả cái bẫy về sự hoàn hảo. Vì nếu chỉ cần đọc một câu đầu thì ta có thể làm nó một cách hoàn hảo, tốt nhất có thể mà lại không mất thời gian, công sức là bao.

Bây giờ bạn cần phải làm gì thì hãy thử áp dụng mẹo này xem sao? Chia thật nhỏ công việc, làm phần nhỏ đó ngay. Rồi tính tiếp :D.

Bài 2: Relational Schemas là gì mà dân tình thi nhau hỏi info? Hóa ra còn “hot” còn hơn cả ERD.

Chào các bạn,

Hôm nay mình rảnh rỗi quá nên đọc mấy cái báo lá cải, thấy tựa đề buồn cười quá nên đặt cho bài thứ 2 về Mô hình thực thể – Relational Schemas.

Theo tinh thần bài về ERD – Mô hình Quan hệ Thực thể, bài này mình sẽ ghi chép lại tất cả những gì mình thu thập được về Relational Schemas. Học cái gì cứ chắc căn bản gốc rễ đã rồi mới hoa lá cành được nhỉ.

Mô hình quan hệ thực thể (Entity Relationship Diagram – ERD) thể hiện ý tưởng, nội dung của một database, nhưng nó lại không thể hiện được cách sắp xếp cụ thể của cơ sở dữ liệu. Một ERD tốt sẽ rất gần với database thực tế. Nhưng ta vẫn cần có kiến thức về Relational Schema để hiểu thiết kế thật sự của một database. Nói nôm na thì ERD là hình vẽ cái xe, còn Relational Schema là bản thiết kế cụ thể các bộ phận của xe mà nhìn vào nó ta có thể sản xuất, lắp ráp.

Bài này ta tìm hiểu cách đọc Relational Schema (RS), và cách chuyển từ ERD sang RS.

Đầu tiên, thành phần của RS gồm: (các chữ trong ngoặc là technical term giúp bạn tra cứu tài liệu)

– Bảng (relation): tương đương với mỗi hình chữ nhật (entity) trong ERD. 

  • Trong mỗi bảng sẽ có nhiều cột (attribute). Các cột này tương đương với hình ô van (cũng gọi là attribute) trong ERD.
  • Mỗi dòng (tuple) trong một bảng theo lý thuyết phải có giá trị unique. (Nhưng trong thực tế nó có thể bị lặp lại do sai sót). Ví dụ ở dòng số 10 có nội dung gồm Tên: ông A, ngày sinh 1/1/1950, với số điện thoại 0987654321. Theo lý thuyết, không một dòng nào khác có những giá trị y hệt thế này nữa. Nhưng có thể có một dòng với giá trị ông A, ngày sinh 1/1/1950 và số điện thoại 987654322, vì ông đó có thể dùng hai số điện thoại cùng lúc.
  • Trong lý thuyết (set theory) và thực tế, các dòng và các cột phải độc lập nhau, không theo thứ tự gì cả.

– Primary key: Mỗi bảng có một cột Primary Key. Đây là cột mà mỗi dòng của nó có giá trị độc nhất. Nó được gạch dưới (như trong ERD). Cột này không được chứa null value. 

Cũng có trường hợp ta cần kết hợp vài cột với nhau thì mới tạo thành unique value cho một dòng. Ví dụ ở dưới: kết hợp biển số xe và tên thành phố thì mới ra số đăng ký cho từng xe. Ví dụ HN-1234 và ĐN-1234 là 2 giá trị khác nhau. Ta có thể thấy, giá trị trong từng cột LPNumber và State riêng rẽ thì không cần độc nhất. Trường hợp kết hợp thế này gọi là Composite Primary Key. Trong bảng nó được thể hiện in đậm và gạch dưới.

– Nếu có các cột khác cũng chứa unique value (mỗi dòng một giá trị khác nhau) thì ta thêm bên cạnh tên cột ký hiệu: (U). Khác với cột dùng làm Primary Key, cột (U) có thể có giá trị null.

  • Cũng tương tự trường hợp Composite Primary Key ở trên, ta cũng có thể có nhiều cột kết hợp với nhau tạo thành unique value (nhưng không cần đóng vai trò primary key). Và giá trị trong từng cột không cần phải là unique. Lúc này các cột đó được ký hiệu như ở dưới. 

– Foreign key: dùng để kết nối bảng này với bảng khác. Đây là khái niệm cốt lõi của Relation database. Do ý tưởng chính là ta chia nhỏ dữ liệu thành các bảng với chủ đề nhỏ. Điều này khiến thao thác truy xuất dữ liệu được đảm bảo với tốc độ nhanh. (Thay vì ta mở một file excel với hàng triệu dòng, ta chỉ truy cập vào một bảng thông tin khoảng 100 dòng thì rõ ràng sẽ nhanh hơn).

  • Foreign key là cột được ghi chú (FK) ở bảng này, và là cột Primary Key ở bảng khác. Hiểu nôm na là nó là một phần của bảng hiện tại, nhưng nó không nằm trong bảng đó, mà nằm ở bảng khác. Kiểu như lương của các anh vẫn là “của” các anh. Nhưng muốn dùng thì phải hỏi cô vợ vì tiền giấy (hay trong tài khoản) nằm ở chỗ cô vợ hết (đoạn này tác giả hơi high mood, chắc do say nước trà). Ta thường vẽ mũi tên từ (FK) chỉ tới Primary Key giữa 2 bảng để thể hiện rõ sự liên hệ.
  • FK của bảng này không cần trùng tên với Primary Key của bảng mà nó kết nối tới. Nhưng với một bản thiết kế tốt, ta nên đặt tên chúng na ná nhau. Ví dụ ở bảng này gọi là Tên giáo viên. Bảng kia có thể là Tên người hướng dẫn.

– Khi ta dùng kết hợp các dấu gạch, ta biết được mỗi dòng ở bảng này có nhiều dữ liệu ở bảng khác hay chỉ duy nhất một (mỗi nhân viên có một số điện thoại hay nhiều số, mỗi số điện thoại cho một nhân viên hay nhiều người ở cùng nhau).

  • Ta đọc từ trái sang phải: ở bảng này ta thấy mỗi nhân viên có ít nhất một số điện thoại, nhưng họ cũng có thể có vài số cùng lúc.
    Ngược lại: mỗi số điện thoại chỉ được kết nối với một nhân viên. Không có hai người dùng chung một số điện thoại.

Thể hiện combo weak entity trong ERD thành Relational Schema như thế nào?

Như ta còn nhớ để thể hiện weak entity ta có bộ 4 thứ: Hình chữ nhật 2 viền + attribute gạch dưới đứt quãng + hình thoi 2 viền + Unique key. Thì trong Schema Diagram ta chỉ cần thể hiện 3 thứ (vì nó không cần thể hiện hình thoi 2 vạch – chỉ bản chất mối quan hệ). Ba thứ đó như hình dưới.

Đọc bảng trên ta thấy: để xác định cụ thể một căn hộ nào đó, cần cùng lúc hai thông tin AptNo và BuildingID. Trong đó thông tin BuildingID được lấy ở bảng Building.

Làm sao biết cái nào là Foreign key? – Nếu là mối quan hệ Many-to-one thì “one” là Foreign key. Ví dụ một giáo sư có thể là advisor cho nhiều sinh viên. Thì ở đây giáo sư là FK trong bảng sinh viên.

  • Với liên hệ many-to-many (nhiều sv học một lớp, mỗi sinh viên học nhiều lớp), ta dùng mapping table. Bảng này chứa composite primary key. Composite key chứa 2 foreign key nối tới primary key tới 2 bảng liên quan. Ví dụ:
  • Bạn thấy Product và Sales Transactions được liên kết với nhau bằng mối quan hệ many-to-many (một sản phẩm được bán nhiều lần, một hóa đơn có nhiều sản phẩm). Lúc này, để chuyển từ ERD sang RS, ta lấy primary keys từ Product và Sale Transactions, tạo thành composite primary keys của một bảng mới là Sold_Via (là mapping table). Như vậy Primary keys của bảng Sold_Via cũng là Foreign Keys luôn vì nó không tồn tại trong bảng, mà phải truy xuất từ bảng khác.

Thể hiện Multivalued Attribute (hình ô van 2 gạch) ở ERD trong RS như nào?: Ta lập một bảng mới riêng cho multivalued attribute đó.

Ta có ví dụ sau đây: 

ICIDICLocation
1111HaNoi
1111DaNang
1111CaMau
2222HaNoi
2222DongNai
222HaiPhong

Phân tích: Ta thấy ICName và ICID đều có giá trị độc nhất, nên ta có thể chọn một trong hai làm Primary Key cho Relational Schema. Ở đây ta chọn ICID. 

ICLocation là attribute có nhiều giá trị. Ta hiểu là một công ty có nhiều địa chỉ khác nhau (do họ có nhiều trụ sở). Để biểu diễn trong RS, ta thiết kế một bảng mới, trong đó có cột ICLocation. Primary key của cột này là một foreign key, được lấy giá trị từ ICID. Như vậy lúc này cột ICLocation sẽ không có multivalued nữa mà mỗi dòng chỉ có một giá trị như hình bên:

Và RS sẽ có dạng như ở dưới. Ở đây cả ICID và ICLocation cùng tạo nên composite primary key (nghĩa là mỗi dòng kết hợp của 2 cột là một thông tin duy nhất. Trong khi mỗi dòng trong mỗi cột thông tin có thể lặp lại).

Thể hiện Derived Attribute (hình ô van gạch đứt) ở ERD trong RS như nào? Không cần. Vì nó có thể suy ra được từ các cột khác.

Bài tập: Các bạn hãy chuyển ERD từ bài 1 sang dạng relational schema xem sao? Lời giải ở dưới.

Giải thích: Ở đây Customer phone có giá trị unique nên ta dùng nó luôn thành Primary key mà không cần kết hợp với CustID.

Một tí về Ecole 42 – learning by doing

202579

Chào các bạn,

Từ năm 2018 các bạn đã nghe nói nước Pháp sẽ tăng học phí đối với các sinh viên nước ngoài. Tuy vậy có một trường học hoàn toàn miễn phí và chất lượng ở Paris mà mình rất muốn chia sẻ với các bạn. Đó là Ecole 42.

Với những bạn nào chưa biết tới Ecole 42, giới thiệu ngắn gọn đây là một trường học lập trình tại Paris. Trường hiện có cơ sở ở Lyon, tại Mỹ ở Silicon Valley. Trường có một số khác biệt so với những trường “truyền thống” mình đã từng theo học.

Đầu tiên, trường không có giáo viên. Sinh viên học thông qua một hệ thống các công trình cá nhân và bài tập nhóm. Sau khi hoàn tất một bài tập/công trình, bạn sẽ được 2-3 sinh viên khác đánh giá, và cuối cùng là một hệ thống đánh giá tự động. Nếu phần code của bạn chạy tốt, qua hết các test của hệ thống, bạn sẽ “ăn điểm” và được “lên level”, y như chơi game vậy. Và điều này rất giống ở ngoài đời. Nếu code của bạn chỉ thiếu một dấu phẩy và nó không chạy được, thì cũng coi như vứt đi. Tóm lại sản phẩm bạn làm ra phải chạy được. Tất cả sinh viên đều có tài khoản riêng và mọi thông tin như level của họ tới đâu, đã làm project nào đều được công khai. Cảm giác khá tuyệt khi mà bạn ngày nào cũng đứng trong top xuất sắc. Ngược lại cảm giác khá tệ nếu cả mấy ngày bạn không kiếm được điểm nào. Chính vì vậy dù không có giáo viên thúc, cũng chẳng có áp lực thi lấy bằng cấp, bạn vẫn có động lực tới trường để làm project và tự tăng level của mình. Một điểm quan trọng nữa là sau khi học xong thì portfolio của bạn cũng có kha khá các thể loại project. Tham gia Piscine trong 1 tháng bạn có thể làm được khoảng 10-15 cái công trình. Thử tưởng tượng trong 3 năm bạn sẽ làm được bao nhiêu? Và điều này khá ấn tượng khi đi xin việc phải không?

Điều khác biệt thứ hai là trường học mở cửa 24/7. Bạn được cấp một thẻ quẹt như ở metro để vào trường. Bạn muốn tới trường lúc nào cũng được, không ai cấm, không ai bắt buộc. Cảm giác được tự chủ trong công việc là một yếu tố để bạn cảm thấy yêu công việc đang làm hơn. Đây là điểm mình thích nhất ở trường này. Mô hình của trường như vậy là để các bà mẹ có con nhỏ, những người phải chăm lo cho người khác hay phải làm một công việc khác cũng có thể tham gia được.

69961382_10217866924697362_7945872368717529088_o
Miễn là bạn có mặc đồ đến trường là được, không quan trọng là đồ gì :))

Điều khác biệt thứ ba là trường học không có bằng cấp. Nhưng nó dạy cho bạn rất nhiều kỹ năng quan trọng trong thế giới thực, như kỹ năng hợp tác, quản lý thời gian,  quản lý áp lực, sắp xếp ưu tiên…Quan trọng nhất là kỹ năng tự update kiến thức. Bạn sẽ học được cách học. Đây một điều rất cần trong một ngành thay đổi chóng mặt theo từng ngày như ngành IT. Thực ra bằng cấp không quan trọng lắm ở Ecole 42 vì họ mở từ năm 2013. Đã có vài lứa sinh viên ra trường và họ có một hệ thống network rất tốt với các công ty và các start up. Việc tìm một vị trí thực tập hay một công việc không hề khó. Ví dụ như gia đình mình làm nounou năm ngoái, khi mình nói chuyện năm nay mình không làm tiếp được vì phải tham gia Pisicne của Ecole 42, bà mẹ thốt lên “A Ecole 42 hả, chị thích trường này lắm!”. Và chị ý làm trong ngành nhân sự chứ không phải IT. Điểm này khá giống với trường tư và các grandes ecoles ở đây. Các bạn nào đã từng học ở Pháp thì sẽ hiểu hơn điều mình vừa nói.

1441485253-capture
Bài test online, bước đầu tiên để vào Ecole 42

Điều thứ tư, để vào trường bạn không bị phân biệt về xuất xứ, tuổi tác, giới tính, học vị… Bạn còn không cần phải biết về lập trình trước đó luôn. Bạn chỉ cần trải qua 2 kỳ thi. Lần đầu tiên là 2 bài test online. Gọi là test thôi nhưng thực ra giống như một trò chơi vậy. Bạn cứ làm tới khi hết giờ, đạt được thành tích tốt nhất trong khả năng của bạn. Sau đó nếu bạn làm khá, chứng tỏ bạn có tư duy logic hợp với ngành này, bạn sẽ nhận được thư mời tham gia một buổi Check in. Đây là buổi giao lưu trực tiếp với trường. Người ta sẽ giới thiệu tỉ mỉ hơn về trường và cách hoạt động của nó. Sau đó bạn đăng ký tham gia Piscine trong 1 tháng. Ở Paris, mỗi năm chỉ có 4 kỳ Pisince, vào tháng 6, 7, 8, và 9.

Piscine là một dạng “thi”. Nhưng thật ra nó giống một hình thức “dùng thử” của Ecole 42 hơn. Nó kéo dài 28 ngày liên tục. Trong 28 ngày đó, giống với ý tưởng của bài test online ban đầu, bạn có một loạt project và bạn cố gắng đạt được kết quả cao nhất trong khả năng của mình. Mỗi cuối tuần sẽ có một bài thi. Ba bài thi của ba tuần đầu kéo dài 4h. Bài thi cuối cùng kéo dài tới 8h. Thi rất quan trọng vì bạn thể hiện được đúng năng lực cũng như sự tiến bộ của mình.

Mình nói Pisince là một hình thức “dùng thử” là do lúc học chính thức cũng không khác Piscine cho lắm. Tức là bạn có một loạt project và bạn tự sắp xếp thời gian để hoàn thành chúng. Bạn không có một ai quản lý hay thúc ép. Trong thời gian Piscine cũng là lúc bạn cảm thấy cách học của Ecole 42 có hợp với bạn không, có giúp bạn tiến bộ không. Mình thấy đây là ý tưởng rất hay. Vì quả thật chỉ sau 1 tuần đầu tiên, đã có tới 1/3 người bỏ cuộc. Số 2/3 trụ qua tuần đầu tiên thì thường ở lại tới ngày cuối cùng. Có lẽ các trường học cũng nên cho học thử kiểu này để đỡ mất thời gian con em nhà người ta :)).

Về phần miễn phí nghĩa là thực sự miễn phí. Các sản phẩm bạn làm ra trong thời gian học hoàn toàn thuộc về bạn. Khi ra trường bạn cũng không phải nộp lại một số tiền nào. Mình nói vậy vì có một số mô hình như Ecole 42, họ nói là miễn phí nhưng khi ra trường bạn phải nộp lại một phần nào đó lương của bạn trong vòng vài năm. Ở Ecole 42, bạn được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi hoặc xin học bổng. Sắp tới trường còn xây dựng ký túc xá cũng được miễn phí.

Ở Pháp thì bạn có thể xin visa 1 tháng để tham dự Pisince, là visa concours với các bạn nào đang ở ngoài Pháp. Còn khi được nhận vào trường thì bạn được cấp visa 3 năm nhé.

Ecole 42 họ có chương trình cho những người ở Pole Emploi trong 1 năm nên phù hợp với anh chị em nào muốn chuyển ngành nghề và muốn tìm việc ngay. Mình thấy có một số người không biết tí gì về lập trình trước đó, khá nhiều tuổi, nhưng sau 1 tháng cố gắng họ cũng được nhận vào trường. Một số rất giỏi nhưng không được nhận, có lẽ vì cách họ làm việc không hợp với tinh thần của trường. Ví dụ như bạn rất giỏi nhưng bạn không thích chia sẻ kiến thức của mình hay không sẵn lòng giúp đỡ người khác thì cũng không hợp với trường. Tiêu chí nào để họ nhận thì mình thật sự không biết, họ cũng không công bố. Có rất nhiều đồn đoán trong lúc mình tham gia Pisince. Nhưng mình nghĩ nếu bạn có tiến bộ so với bản thân, bạn chăm chỉ và bạn thích kiểu học hỏi hỗ trợ nhau thì cơ hội rất cao. Quả thật những điểm này khó mà giả vờ được trong vòng 1 tháng liền.

Ở Mỹ rất tiếc là trường không được công nhận bởi chính phủ nên bạn sẽ không được cấp visa. Bạn nào đã ở sẵn Mỹ và không cần quan tâm giấy tờ, cần một chỗ học miễn phí chất lượng thì rất nên thử. Ký túc xá bên Mỹ cũng được ở miễn phí luôn.

Ngoài ra trường còn có partnership ở một số nước như Bỉ, Hà Lan, Morocco, Nga, sắp tới là Nhật, Đài Loan..

Chú thích thêm:

70092368_2724291427603092_8254642390875242496_o
Bí quá thì phải hỏi hàng xóm thôi

1. Piscine tiếng Pháp nghĩa là cái Bể bơi. Ý tưởng là vứt bạn vào một môi trường mới, bạn không tự vùng vẫy thì bạn chìm, bạn cứ kiên trì vùng vẫy, chịu khó học hỏi thằng bên cạnh xem nó làm thế nào, thì bạn sống. Nếu bạn có cơ hội tham gia Piscine bạn sẽ rất thấm cái hình ảnh này.

École-42
Ông Xavier Niel và những người đồng sáng lập

2. Trường Ecole 42 được tài trợ bởi ông tỉ phú người Pháp Xavier Niel. Ông này làm trong ngành viễn thông, lúc tuyển người thì tìm mãi không ra người tài, nên ổng kết luận là các trường đại học đào tạo có vấn đề. Thế là ổng mở trường để tự đào tạo người tài. Mấy năm đầu thì chính phủ Pháp không công nhận. Nhưng giờ thì họ cởi mở hơn bằng những động thái như cấp visa cho sinh viên theo học, cấp học bổng…

ecole-42-la-innovadora-escuela-que-no-tiene-profesores-ni-asignaturas-4
Tổng thống Macron thăm trường

3. Tại sao lại tên là 42? Trong cuốn tiểu thuyết The hitchhiker’s guide to the galaxy của Douglas Adams, số 42 là câu trả lời cho mọi câu hỏi, mọi điều bí ẩn trong vũ trụ.

4. Bạn có thể đăng ký Piscine tại bất kỳ đâu thuộc các trường thành viên. Sau đó nếu được nhận bạn có thể chuyển sang trường ở nước khác để theo học. Ví dụ bạn tham gia Piscine tại Pháp và sau đó bạn học ở Mỹ. Nhưng các bạn nên lưu ý về chuyện giấy tờ, vì đây không phải là một trường truyền thống và còn mới mẻ nên tùy từng nước sẽ có chế độ riêng của họ.

5. Trường cũng có chương trình riêng cho các em vị thành niên chưa đủ 18 tuổi nhé. Nhân tài có bao giờ đợi tuổi :).

Các bạn tự tìm hiểu thêm về trường và cách đăng ký ở link này nhé. Gợi ý là trên youtube cũng rất nhiều chia sẻ về trường, Piscine, test…

website: https://www.42.fr/

facebook: https://www.facebook.com/42born2code/

Update 03/04/2020.

Bài chia sẻ của mình được các bạn nhắn tin hỏi thêm một số điểm. Mình xin tổng hợp ở đây nhé:

1/ Học bổng/ Tài chính

– Mình đính chính lại là học bổng GEN chỉ dành cho những bạn có ba mẹ ở Pháp đã đóng thuế ít nhất 2 năm hoặc quốc tịch Pháp thôi nhé. Nhưng phần cho vay ưu đãi tại ngân hàng thì không có sự phân biệt.

2/ Đăng ký Piscine một nơi, học một nơi:

– Có thể được. Các bạn nên trao đổi trực tiếp với trường để có thông tin chính xác.

3/ Có cần biết C trước khi tham gia Piscine để tăng cơ hội được nhận?

– Có và không. Không vì có bạn biết coding trước, hoàn thành các project xuất sắc nhưng không được nhận. Có vì bạn sẽ đỡ stress hơn && khả năng giúp đỡ được người khác nhiều hơn -> khả năng được nhận cao hơn.

4/ Tiêu chí nào để được nhận?

– Mình không biết. Nhưng mình khá chắc chắn họ chọn người phù hợp với cách hoạt động của trường (vd: có khả năng tự học hỏi, có sự tiến bộ, sẵn lòng giúp đỡ người khác…), chứ không phải người giỏi nhất.

(Ngoài lề – mình nghe nói họ tập hợp tất cả data của bạn trong thời gian piscine: ngày giờ ra vào trường, mức độ tương tác với bạn khác, commentaire của bạn khác về bạn, điểm số project, điểm số thi.v.v..và chạy một model để chọn ra người phù hợp. Model đó như nào thì không ai biết trừ họ. Nhắc lại là thông tin ngoài lề, không đảm bảo tính chính xác!!!)

– Tóm lại là bạn dốc hết khả năng của mình, ăn ngủ code trong 1 tháng Piscine, rồi chờ kết quả thôi. Bon courage!

Update 03/02/2022.

1. Các sinh viên theo học trường 42 ở Paris sẽ được cấp titre RNCP cấp 6 hoặc 7 sau khi đáp ứng được các điều kiện cần thiết. Hai titre này tương đương với bằng Master (Bac + 5) và có giá trị trên toàn EU. Như vậy trường 42 đã có được sự công nhận chính thức của phía nhà nước về chất lượng giáo dục.

Bài 1. Tất tần tật về Mô hình Quan hệ Thực thể (Entity Relationship Diagram ERD)

Screenshot from 2019-08-08 18-40-58

Chào các bạn,

Trước khi tạo một Database cho công ty của mình, chúng ta cần phải có một cái sơ đồ dữ liệu. Cũng giống như trước khi bắt tay vào sản xuất một cái ô tô thì ta cần có bản vẽ thiết kế chi tiết của nó vậy. Trong trường hợp bạn là Data Analyst thì bạn cần phải biết đọc bản thiết kế của cái database bạn sẽ dùng. Nói chung là bạn cần đọc bài này nếu có làm việc dính dáng tới Database. Mình có tìm thử thì thấy cũng có một số bài viết về loại sơ đồ này bằng tiếng Việt. Nhưng chúng không được đầy đủ lắm.

Bài này mình sẽ nói tới các ký hiệu dùng trong một sơ đồ dữ liệu, tiếng Anh gọi là Entity Relationship Diagram (ERD), tiếng Việt là Mô hình Quan hệ Thực thể một cách đầy đủ nhất. Bài này nằm trong chuỗi bài sử dụng SQL để quản lý Big Data. Mình viết ra quan trọng nhất là để ghi chép tổng hợp kiến thức, sau dễ bề tham khảo.

Trước hết, bạn nên mở công cụ ERDPlus ở đây: https://erdplus.com/#/standalone, cùng lúc với học bài. Vừa đọc vừa vẽ lại hình, nó sẽ giúp bạn dễ hiểu bài hơn nhiều. Học phải đi đôi với hành mà.

Đầu tiên chúng ta nhìn vào những hình chữ nhật. Mỗi hình chữ nhật tượng trưng cho một Entity. Mình chả biết dịch thế nào mà mình cũng hạn chế dịch mấy thuật ngữ tiếng Anh, sau lại mất công học lại. Bạn chỉ cần nhớ là với mỗi Entity thì ta có thể tạo ra một bảng dữ liệu con. Entity như kiểu một theme dữ liệu ấy.

Với mỗi hình chữ nhật ta sẽ có nhiều hình ô van kết nối với nó. Hình ô van tượng trưng cho Attribute (Đặc tính) của cái Entity đó. Nôm na thì nó là mỗi cột dữ liệu của bảng dữ liệu.

Các Entity (hình chữ nhật) được kết nối với nhau bằng hình thoi (Mối liên hệ).

erd-symbols

Ví dụ:

erd-ex1c

Ở cái Database này ta có 2 bảng dữ liệu kết với nhau. Bảng về Doctor có 3 cột dữ liệu là cột DrID, DrYearGrad và DrName. Bảng về OutpatientLoc thì có 2 cột dữ liệu là OLID và OLName. Mối liên hệ ở trên giữa 2 bảng là WorkAt, nghĩa là Bác sĩ  này làm việc tại Địa điểm nào.

Điểm chú ý nhỏ là Tên Mối quan hệ thường là Động từ.

Tiếp theo ta nhìn thấy mấy cái gạch như ở dưới:

information-engineering-style

  • 1 gạch: chỉ có 1 kết nối
  • Gạch hình chân chim: có nhiều kết nối
  • Gạch ở xa hình chữ nhật: chỉ giá trị nhỏ nhất
  • Gạch ở gần hình chữ nhật: chỉ giá trị lớn nhất
  • Hình tròn: optional, không bắt buộc

Ngoài ra ta có thể ghi số ở đây thay vì gạch. Số có nghĩa là  số lượng mối quan hệ cụ thể. Ví dụ thay vì gạch ở trên ta thấy (1,5) thì nghĩa là có ít nhất 1 bác sĩ, hoặc nhiều nhất 5 bác sĩ, làm việc tại một địa điểm nào đó.

Quay trở lại với Hình Ovan (Attribute).

– Nếu chữ trong hình Ovan được gạch dưới, nghĩa là với attribute này, mỗi dòng dữ liệu chỉ có một  giá trị duy nhất.

Thường nó sẽ là ID của bảng dữ liệu đó. Nó còn gọi là Unique key, unique attribute, Primary Key, hay Indentifier. Chú ý là mỗi Entity có thể có nhiều Unique key. Khi đó ta chỉ cần chọn một trong số đó làm Primary Key. Ví dụ trong trường dữ liệu Sinh Viên, ta có thể có Mã số sinh viênSố CMND đều chỉ có gía trị duy nhất cho từng sinh viên nhưng ta chỉ chọn một làm Primary Key.

ER_diagram_key_attribute

– Nhưng nếu chữ  trong hình Ovan được gạch dưới đứt quãng hình chữ nhật có 2 viền, điều này nghĩa là Attribute đó là Partial Key. Tức là một mình nó không thể dùng để xác định được Entity vì nó phụ thuộc vào Key (unique attribute) của một Entity khác. Ta phải dùng Unique Key của một Entity khác cùng với Parital Key của Entity này mới truy cập được đúng dữ liệu mình muốn.

Ví dụ như hình ở dưới. Anh Tèo ở nhà số 4, phố Huế. Trong thành phố có 36 phố phường, phố Trần Hưng Đạo bên cạnh cũng có nhà số 4. Nếu chỉ gọi dữ liệu là nhà số 4 thì không ra được nhà anh Tèo, mà phải gọi thêm dữ liệu ID phố nữa.

Để biết là cái Partial Key phụ thuộc vào Unique Key của Entity nào thì ta tìm cái hình thoi (mối liên kết) cũng có 2 viền. Đầu kia của cái hình thoi là cái Entity có Unique Key ta cần tìm. Nói chung bộ 4 cái: Hình chữ nhật 2 viền + attribute gạch dưới đứt quãng + hình thoi 2 viền + Unique key luôn đi với nhau

erdplus-diagram

Nếu hình Ovan (Attribute) có viền gạch đứt quãng, nó nghĩa là Derived. Nghĩa là ta không cần thu thập data cho nó mà có thể suy ra từ một Attribute khác trong Database. Ví dụ dựa vào ngày sinh, ta có thể suy ra người đó bao nhiêu tuổi.

derived-attribute

Nếu hình Ovan (Attribute) 2 viền đây là một Multivalued attribute: nó có nhiều giá trị khác nhau cho cùng một dòng. Ví dụ attribute có tên Sở thích. Mỗi Người có thể có vài sở thích khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở một sở thích.

multivalued-attribute

contactid firstname lastname hobbies
1639 George Barnes reading
5629 Susan Noble hiking, movies
3388 Erwin Star hockey, skiing
5772 Alice Buck
1911 Frank Borders photography, travel, art
4848 Hanna Diedrich gourmet cooking

Nếu chữ trong hình Ovan (Attribute) được đóng mở ngoặc. Tức là một Attribute Composite. Như cái tên, ta hiểu nôm na là cái Attribute này sẽ được tạo bởi những attribute khác. Ví dụ Tên Họ được tạo bởi Tên, Tên Đêm và Họ. Thường không ai điền một dòng data dài dặc Nguyễn Văn Tèo cả. Mà ta chia nhỏ dữ liệu ra cho dễ truy cập thành: Nguyễn (Họ), Văn (Tên Đệm) và Tèo (Tên).

composite2

Mình nghĩ là tạm đủ rồi, nếu thiếu các bạn cứ comment mình bổ sung thêm nhé. ung

Update 10/11/20:

Associative entity: Associative entities relate the instances of several entity types. They also contain attributes specific to the relationship between those entity instances.

associative entity

Bài tập: Ở trên là tất cả khái niệm cần có trong một ERD. Bây giờ bạn thử quay lại và đọc cái ERD trên đầu bài xem sao? (bấm vào đây để xem rõ hình). Lời giải ở đây

– Gợi ý: Đọc từ hình chữ nhật trước. Sau đó đọc các hình Ovan. Rồi kết nối hình chữ nhật với nhau bằng hình Thoi.

Chúc các bạn một ngày làm việc năng suất,

Thân

Nhung

Uncompensated Demand Function, Indirect Utility Function, Roy’s Identity là gì?

Trong bài này mình sẽ giải thích cách hiểu trực giác đằng sau các thuật ngữ trên, và làm thế nào để tìm được Roy’s Identity và ý nghĩa của nó là gì. Mình không nghĩ ra bài này mà dịch theo tài liệu này. Bạn nào khá tiếng Anh thì đọc luôn ở đó cho nhanh, tác giả giải thích rất dễ hiểu.

Phần này mình hơi lười đánh máy vì khá nhiều công thức, nên mình chép tay cho nhanh. Khi nào rảnh hơn mình sẽ làm lại cho tử tế.

IMG_1704IMG_1705IMG_1706

 

Những lá thư Paris

Mình hay học bằng cách tập dịch. Cách này hơi mất thời gian nhưng đây là cách duy nhất giúp mình học từ mới – học từ qua ngữ cảnh. Bài này mình tra từ rồi dịch lại mỗi ngày một ít thì mất khoảng 2 tuần mới xong, hix…Dịch xong rồi dò qua Google translate thấy còn đôi chỗ bị hiểu sai. Nhất là mấy cái đại từ của nó chuyên gia đứng ngay sau chủ ngữ làm mình toàn bị nhầm.

Dịch xong bài này mới thấy bà cô Nancy dù là người Canada nhưng mang nhiều phong cách và tính chất của người Pháp/người Paris. Văn phong của bả nghe cũng dramatic như người Paris vậy chứ không hẳn « sôi nổi phổi bò » như dân Mỹ. Hay viết văn hay thì phải vậy ?

Sau đây là bản dịch của: Lettres parisiennes.

Những lá thư Paris

Một người rời Canada, một người rời Algeri, Nancy Huston và Leila Sebbar gặp nhau tại Paris khi đóng góp vào các xuất bản đa dạng. Họ đã quen nhau được 10 năm khi họ quyết định viết cho nhau về sự lưu vong. Ba mươi lá thư, hầu hết được gửi từ Paris, thỉnh thoảng từ nước ngoài, đã làm họ thân nhau hơn. Những lá thư này được gửi từ 11/5/1983 đến 7/1/1985

Ngày 16 tháng 6 năm 1983,

Leila yêu quý,

(…) Đã 6 năm trôi qua kể từ khi tớ bắt đầu ở phố Rosiers. Tớ chắc chắn là đã có một số giao thiệp ở đây. Tớ đã có thể buôn chuyện với người bán bánh mỳ hoặc người bán báo ở ki-ốt (bọn mình nói về mọi thứ trừ chủ đề chính trị) ; người gác cổng và một số hàng xóm thường xuyên hỏi thăm con gái mình ; nhưng có một điều rõ ràng là tớ không thuộc về nơi đây. Chúng tớ mỉm cười với nhau, giúp đỡ nhau những việc nhỏ và mọi thứ dừng lại tại đó. Họ cũng là những người xa xứ, theo cách này hay cách khác – họ thỉnh thoảng trở về Israel hay Maroc vào mùa hè -, và khi ở Paris thì họ tạo nên một cộng đồng, với tất cả sự thân thuộc và gò bó mà từ đó thể hiện. Tớ nhìn điều này với nỗi nhớ nhà khó diễn tả – bởi vì ngay cả trong thời thơ ấu, tớ không hề biết về nó, cái cảm xúc về « một gia đình mở rộng » – và đồng thời tới cũng cảm thấy vui vì biết đến nó mà không phải trải nghiệm nó.

Thỉnh thoảng, bọn họ hỏi mình rằng mình có muốn một ngày nào đó « trở về nhà » không, và khi mình trả lời rằng mình không có nhà nào khác ngoài Paris thì họ rất lấy làm ngạc nhiên. Mình thử giải thích rằng mình đã không sống ở một thành phố nào đủ lâu (kỷ lục đạt được là 3 năm); mình cũng chưa bao giờ sống ở nơi mà bố mẹ mình đang sống (chỗ đó không những không cùng thành phố mà còn không cùng trong một đất nước với chỗ mình đang sống) ; trong suốt 9 năm của cuộc hôn nhân, họ chuyển nhà 18 lần (đây là một trong những lý do họ li dị nhau) ; mình dời đất nước mà mình sinh ra cũng được 15 năm, nghĩa là bằng nửa cuộc đời của mình…Không. Họ không hiểu chút nào. Với một người Âu châu, thật không thể hiểu nổi khi người khác không cảm thấy, khi mà ở xa nhà, một « nỗi nhớ quê hương », và thậm chí còn hơn thế là cái việc người đó không có một đất nước để mà cảm thấy nhớ. Thỉnh thoảng mình thấy ghen tị với sự gắn kết với một thành phố hay với đất nước của họ ; mình cũng thấy ghen tị với những người thực sự « lưu vong », những người này say mê nói về tình yêu với tổ quốc của họ, nhưng lại không thể sống ở đó vì lý do chính trị hoặc lý do kinh tế ; vào những lúc đó, cái sự xa xứ của mình có vẻ như hời hợt, thất thường, mang tính chủ nghĩa cá nhân…nhưng nó không hề kém thực, mà nó ngày càng đầy thêm theo thời gian.

(…) Sau một hoặc hai năm vắng mặt, khi mình rời máy bay xuống Montreal, Boston hay New York, luôn có một lớp sương mỏng mảnh của sự lạ thường vào lúc đầu: mình cảm giác như đất nước của mình như là một đất nước xa lạ, hoặc hơn thế nữa, mình nghiệm thấy một cảm giác bối rối, như một giấc mơ, khi tất cả mọi thứ đều hoàn toàn quen thuộc với mình và đồng thời lại hơi « không đúng ». Cảm giác này kéo dài nhiều nhất là vài ngày. Nó được thay thế bởi sự ngợp. Mình bắt đầu « gắn kết lại », như là cậu sẽ nói, với ngôn ngữ mẹ đẻ và với quê hương của mình. Tất cả những điều này làm mình ngạt thở, tất cả những sắc thái ngớ ngẩn từ dự báo thời tiết trên đài phát thanh đến những cuộc nói chuyện trên đường phố. Mình hiểu quá rõ, những điều này không tách rời khỏi mình được : là mình- chính mình là cái mà mình đang chạy trốn khỏi – tất cả những nhạt nhẽo của thời thơ ấu trên những cánh đồng bằng phẳng, tôn giáo hão huyễn, cũng như những bài hát ngu ngốc – và mình thấy hoảng. Ở đó, lần này, mình cảm thấy nhớ nhà, nhưng giống như người ta nói về sự say sóng : quê hương làm mình cảm thấy nôn nao.

Giai đoạn này thường kết thúc sau khoảng 15 ngày. Sau đó, tớ trở nên có lý trí hơn. Tớ tự giải thích cho mình rằng ở đây cũng có những người tuyệt vời, một nền văn học vẫn tiếp tục được viết ra mà tớ đã không còn đọc nữa, một cuộc sống âm nhạc giàu có hơn ở Pháp…Tớ  tự thấy bớt căng thẳng, tâm trạng cáu kỉnh của tớ tiêu tan đi, tớ đi thăm bố mẹ và bạn bè, tớ ôm họ với nỗi buồn chân thành (điều này còn tệ hơn : luôn luôn kết bạn mới và có tình yêu mới, luôn luôn mở cửa để biết rằng những cánh cửa này sẽ sớm đóng lại, cứ mở và đóng trong thể vô tận…), và tớ lại ra đi. Và khi ở trên máy bay – những chuyến bay luôn luôn cất cánh vào chiều muộn và ở trên đại dương là một hoàng hôn có vẻ đẹp tới xé ruột – tớ khóc. Tớ khóc vì phải xa rời những người biết tớ và hiểu tớ hơn rất nhiều so với những người ở Paris có thể hiểu; tớ khóc vì bầu trời Canada rộng lớn, không so sánh được, tớ khóc cho tiếng Anh, cái ngôn ngữ chào đón tớ với rất nhiều sự tự nhiên, trôi chảy qua môi với nhiều sự dễ dàng ; tớ khóc vì cha mẹ đang già đi khi mà tớ không có ở bên ; tớ khóc vì những đứa em nhỏ không còn nhỏ nữa và tớ không biết đến điều đó ; tớ khóc vì là một đứa con gái cứng đầu và kiêu kỳ ; một đứa con gái không có trái tim đã tung hê tất cả để tới Paris.

Khi trở về Roissy, mình thấy ghét nước Pháp. Giọng nói của người Paris (nhất là khi so sánh với người Quebec) nghe thật là lạc điệu, kiểu cách, và trưởng giả. Cử chỉ điệu bộ, những cái nhìn, tất cả đều phải xứng hợp : khi ngồi ở sân một quán cà phê, mình tự nhủ rằng mình không thể dang rộng chân mình theo cùng cái cách mà người Mỹ vẫn làm và mình bị một cảm giác oán hận vô tận xâm chiếm….Cái sự nhỏ mọn và thô bạo của những lái buôn người Pháp, tới sau sự thân thiện nồng nàn không phân biệt của người Mỹ làm mình phẫn nộ và làm mình muốn đập phá – kể cả khi mình biết cái sự thân thiện ấy có vẻ vô căn cứ, bị thổi phồng và cũng làm mình nổi xung khi mình quay trở lại Mỹ…

Tóm lại, với mình, đó không phải là một điều vui vẻ gì khi đi đi lại lại giữa nước này và nước khác. Mình không thuộc về nhóm những người giàu có, nhóm những người không quốc tịch sống với sự chuyển đổi trong hoan hỉ, nhẹ nhàng. Với mình, nó rất nặng nề, mình muốn hãng hàng không có thể thực hiện chuyến bay trong bảy giờ như thể không có chuyện gì xảy ra : mình sẽ cần ít nhất bảy ngày để chuẩn bị cho « cú sốc hai văn hóa », như là bọn mình hay nói trong ngôn ngữ của mình (…)

Nancy


Bản tiếng Pháp:

Ayant quitté le Canada pour l’une, l’Algérie pour l’autre, Nancy Huston et Leila Sebbar se sont rencontrées à Paris en contribuant à diverses publications. Elles se connaissent depuis dix ans quand elles décident de s’écrire, pour se parler de l’exil. Trente lettres envoyées de Paris le plus souvent, parfois d’ailleurs, qui vont les rapprocher. Du 11 mai 1983 au 7 janvier 1985.

Le 16 juin 1983,

Chère Leila,

(…) Depuis six ans maintenant que j’habite la Rue des Rosiers, j’ai bien sûr fait des connaissances : je peux bavarder avec mon boulanger ou mon kiosquier (sur tout sauf des sujets politiques) ; la concierge et certaines voisines me demandent régulièrement des nouvelles de ma fille ; mais il est clair que je ne fais pas partie de leur monde. On se sourit, on se rend des petits services mais ça s’arrête là. Eux aussi sont expatriés, d’une façon ou d’une autre — souvent ils « rentrent » en Israël ou au Maroc pendant l’été —, mais à Paris ils forment entre eux une communauté, avec tout ce que ce mot implique d’habitudes familières et de contraintes. Je regarde cela avec une nostalgie difficilement explicable — car même dans mon enfance je ne l’ai pas connu, ce sentiment de « famille élargie » — et en même temps je suis contente de le côtoyer sans y être impliquée.

Parfois, l’on me demande si je ne souhaiterais pas un jour « rentrer chez moi », et quand je réponds que je n’ai plus d’autre chez moi que Paris, on est éberlué. J’essaie d’expliquer : je n’ai vécu dans aucune autre ville aussi longtemps (le record a été battu il y a trois ans déjà) ; je n’ai jamais vécu là où habitent maintenant ma mère et mon père (ce n’est d’ailleurs pas la même ville, ni le même pays) ; pendant les neuf ans qu’a duré leur mariage, ils ont déménagé dix-huit fois (c’était l’une des raisons du divorce) ; j’ai quitté mon pays natal il y a quinze ans maintenant, c’est-à-dire la moitié de ma vie…. Non. On ne comprend toujours pas. Pour un Européen, il est inconcevable que l’on ne ressente pas, loin de chez soi, « le mal du pays » et a fortiori que l’on n’ait aucun pays pour lequel le ressentir. J’envie parfois leur attachement à leur province ou à leur pays ; j’envie aussi les « vrais » exilés, ceux qui disent aimer passionnément leur pays d’origine, sans pouvoir pour des raisons politiques ou économiques y vivre ; dans ces moments, mon exil à moi me semble superficiel, capricieux, individualiste…mais il n’en est pas moins réel, et de plus en plus à mesure que le temps passe.

(….) Quand, après un an ou deux d’absence, je descends d’avion à Montréal, à Boston ou à New York, il y a toujours une mince épaisseur d’étrangeté au tout début : je perçois mon propre pays comme un pays étranger — ou plutôt, j’éprouve la sensation troublante, comme un rêve, que tout m’y est absolument familier et en même temps légèrement « déplacé ». Cette sensation dure quelques jours tout au plus. Elle est remplacée par l’étouffement. Je commence à « faire corps », comme tu le dis si bien, avec cette langue maternelle et avec cette mère patrie. Tout en elles m’étouffe, toutes les nuances de niaiserie depuis les prévisions météorologiques à la radio jusqu’aux conversations dans la rue. Je comprends trop bien, ça me colle à la peau : c’est moi — le moi que j’ai fui —, ce sont toutes les platitudes de mon enfance dans les Prairies plates, les mêmes inanités religieuses, les mêmes chansons débiles — et je panique. Là, pour le coup, j’ai le mal du pays, mais comme on dit le mal de mer : mon pays me donne la nausée.

Cette période s’achève généralement au bout de quinze jours. Ensuite, je deviens plus raisonnable. Je me rends compte qu’ici aussi il y a des gens merveilleux, une littérature qui s’écrit et que je ne lis plus, une vie musicale plus riche qu’en France… Je me détends, mon humeur massacrante se dissipe, je rends visite aux parents et aux amis, je les embrasse avec une tristesse sincère (ça, c’est le pire : toujours renouveler l’amitié et l’amour, toujours rouvrir les portes en sachant qu’elles se refermeront aussitôt après, rouvrir et refermer à l’infini)…, et je m’en vais. Et dans l’avion — les avions décollent invariablement en fin d’après-midi, et au-dessus de l’océan il y a des crépuscules d’une beauté déchirante — je pleure. Je pleure d’avoir à quitter ces êtres qui me connaissent et me comprennent au fond mieux que les Français ne le feront jamais ; je pleure l’immense, l’incomparable ciel canadien ; je pleure la langue anglaise qui m’a accueillie avec tant de naturel, qui a coulé de mes lèvres avec tant de facilité ; je pleure mes parents qui vieilliront encore alors que je ne serai pas là ; je pleure mes petits frères et sœurs qui ne seront plus petits et que je ne connais plus ; je pleure d’être la femme têtue et prétentieuse que je me semble alors, la femme sans cœur qui a tout balancé pour aller s’éclater à Paris.

De retour à Roissy, je hais la France. L’accent des Parisiens (surtout par contraste avec celui des Québécois) est grinçant, pincé et snob. Les gestes, les regards, tout est à l’avenant : assise à une terrasse de café, je me rends compte que je ne pourrai plus étendre mes jambes de la même façon qu’en Amérique et je suis envahie d’un ressentiment sans bornes… La petitesse et les rudoiements des commerçants français, venant après la bonhommie indiscriminée des Américains, me révoltent et me donnent envie de taper — même si je sais que cette bonhommie me semblera gratuite, exagérée et tout aussi révoltante dès que je retournerai aux Etats-Unis …

Bref, ce n’est pas pour moi une chose joyeuse que l’aller-retour d’un pays à l’autre. Je ne fais pas partie de la Jet Set, cette population apatride qui vit la transition d’un monde à l’autre dans l’allégresse, la légèreté. Pour moi, c’est lourd, j’en veux aux avions qui effectuent le trajet en sept heures comme si de rien n’était : il me faudrait au moins les sept jours de bateau pour me préparer au « choc des deux cultures », comme nous disons dans ma langue (…).

Nancy

Làm thế nào để học ngoại ngữ hàng ngày?

Duolingo_logo

Chào các bạn,

Từ hồi có cơ hội sinh sống ở trời Âu, mình đã có một sự ngưỡng mộ kín đáo với các bạn bên này, đó là thường ai cũng biết trên 1 ngoại ngữ. Hồi xưa mình chỉ học tiếng Anh thôi đã thấy toát mồ hôi hột và ớn tới tận cổ rồi, thế nên khi nhìn một người nói và hiểu dăm bảy thứ tiếng là mình hoa mắt lắm. Mình học mãi tiếng Anh mới ổn ổn được một chút, vì vậy mình nghĩ chắc thôi thế là đủ, mình chẳng thể học thêm một ngoại ngữ nào nữa đâu.

Nhưng ngẫm nghĩ lại thì thấy do biết tiếng Anh nên có rất nhiều cơ hội đến với mình từ công việc đến học hành. Chưa kể đầu óc mở mang vì đọc được các nguồn sách báo ở ngoài. Bạn bè thì quen ở khắp nơi trên thế giới. Đi du lịch nước ngoài không ngán. Mới biết một thứ tiếng đã vậy, nếu biết vài ba thứ tiếng thì còn thế nào nhỉ?

Rồi sau một thời gian vừa do bắt buộc, vừa tò mò, mình lân la học tiếng Pháp và Đức. Và mình thấy hóa ra các bạn bên này học được vài thứ tiếng là do họ có lợi thế của họ. Các ngôn ngữ phương tây tương đối giống nhau về mặt ngữ pháp và từ vựng, nên họ không mất nhiều thời gian làm quen lắm. Giống như người Việt có thể học tiếng Trung quốc dễ hơn người Pháp chẳng hạn. Vì vậy, khi mình đã biết tiếng Anh, mình hoàn toàn có thể tiếp tục học các thứ tiếng như Pháp, Đức, Tây ban nha với một lợi thế nào đó.

Nhưng điều quan trọng nhất trong việc học ngôn ngữ là HÀNG NGÀY. Luyện tập, học ngữ pháp, học từ vựng, nói, nghe, đọc, viết…tất cả phải làm hàng ngày, lặp đi lặp lại, kiến tha lâu thì bạn sẽ từ từ giỏi lên được. Khi đọc các quảng cáo hay bài báo trên mạng về việc học ngôn ngữ trong mấy tuần, mấy tháng, mình không tin tí nào cả. Vì mình đã thử học chỉ một thứ trong một ngày, và mình biết mỗi ngày mình chỉ có thể nạp được một lượng từ và kiến thức nhất định, chưa kể ngày hôm sau số lượng đó bị hao đi một phần. Đấy là cách mà bộ não hoạt động, không thể khác được. Vì vậy kiểu gì cũng phải tích lũy dần dần, lâu lâu.

Nhưng làm thế nào để giữ được nhịp độ học hàng ngày mà không bị mất hứng? Hiện tại mình tìm được giải pháp cho việc này, đó là trang học Duolingo. Trang này thiết kế theo kiểu game, chơi mà hóa ra đang học. Như kiểu bạn phải trả lời đúng thì mới được “lên bàn” tiếp theo, rất thú vị. Chưa kể nó có cái bảng so sánh cấp độ học của những người khác với mình. Nhiều khi nhìn người khác tiến tới cũng là cái động lực để mình không ngồi ì tại chỗ.

Cách học của Duolingo rất giống lần mình tập gõ 10 ngón tay. Mình không nhớ mình đã dùng phần mềm nào, chỉ nhớ là nó là một kiểu trò chơi, có mấy con cá bơi bơi ra màn hình để chén mình và mình phải gõ đúng chữ cái trên con đó thì mới loại được nó. Ở các mức cao hơn thì có các loại cá bơi nhanh, bơi chậm, xì điện các kiểu…Nói chung rất hấp dẫn. Mình “chơi” khoảng một tháng thì level đạt được rất cao, và “side effect” là có khả năng đánh máy 10 ngón cực nhanh, hầu như là phản xạ và không phải nhìn bàn phím bao giờ.

Rồi nó cũng giống lần mình học từ vựng tiếng Anh cho môn GRE trên Vocabulary . Mình không học theo list từ như cách thông dụng, mà mình học theo cách trả lời trắc nghiệm 10 câu một, cũng có một bảng kết quả so sánh với những người đang học, có điểm thưởng nếu trả lời đúng hết 10, 20, 30 câu một mạch…. Hồi đó mình không có nhiều thời gian học vì phải đi làm,  nhưng nhưng kết quả thì tốt hơn khoảng một trăm điểm so với lần mình học theo kiểu nhồi nhét theo list từ.

Cách học của Duolingo theo kiểu game này cũng na ná như hai lần kia, nên mình tin là rất hiệu quả. Mình mới dùng Duolingo hơn một tháng nay trong việc học tiếng Pháp. Kết quả nhận thấy đầu tiên là sau kỳ nghỉ đông, lúc quay lại lớp học tiếng Pháp ở trường, mình gần như hiểu hết những gì cô giáo nói trên bảng (tất nhiên cô chủ ý nói chậm rãi). Chẳng bù cho cách đấy 2 tháng, có lần cô dặn tuần sau được nghỉ lễ không phải học, mình không nghe được nên đến hôm đó lụi cụi đi học thì thấy trường lớp vắng teo, rầu không để đâu cho hết.

Hiện tại thì mình vẫn học trên Duolingo hàng ngày. Nhiều hơn vào cuối tuần vì rảnh hơn. Trong tuần bận túi bụi nhưng cũng phải học được dăm mười phút mỗi ngày.

Hôm rồi mình tới nhà chú thím chơi, thấy hai người than phiền cậu em họ học hành mọi môn đều tốt, chỉ trừ môn tiếng Pháp. Mình thấy cậu này thuộc dạng thông minh học nhanh. Nhưng khổ cái người thông minh sáng dạ lại hay thiếu tính kiên trì, chưa kể là con nít nên ham chơi hơn ham học. Thế là mình dụ cậu em đăng ký tài khoản để chơi trên Duolingo. Tạm thời theo quan sát của mình, hai anh em gần như ngày nào cũng lên học bài, ít, nhưng đều đặn, thế là ổn. Hai đứa nó vẫn được nghỉ và chưa đi học lại, để xem vào học kỳ mới kết quả môn ngoại ngữ của hai đứa nó có khá hơn không.

 

Một số thuật ngữ hay dùng trong Kinh tế (Profit, Cost, Returns)

thai-street-juic

Chào các bạn,

Đôi khi đọc sách báo, bạn sẽ gặp những thuật ngữ thông dụng mà tác giả mặc định chúng ta đã biết (trong khi thực ra là ta chưa biết gì về nó hoặc không hiểu rõ lắm). Mà kinh tế là môn nổi tiếng nhiều “jargon” (biệt ngữ). Có những jargon chỉ cần đọc tên là ta có thể hiểu phần nào, vì ngay cái tên đã nói lên khái niệm của nó. Nhưng có những thuật ngữ mà ta phải có kiến thức nhất định mới hiểu được. Bài này tóm lược một số thuật ngữ mà kinh tế gia hay dùng và ý nghĩa của nó (hi vọng đã được giải thích-một-cách-dễ-hiểu-nhất).


Price taker: Nếu bạn là price taker (trong thị trường có perfect competitive, nghĩa là gồm rất nhiều công ty cùng bán một mặt hàng), thì bạn không thể gây ảnh hưởng gì lên giá cả của thị trường. Bạn chỉ có thể “take” price có sẵn và điều chỉnh mức sản xuất của mình theo price này (để có thể có lãi).

Ví dụ giá rau muống của Việt Nam là 5,000vnd/mớ. Nếu bạn là một người bán rau muống, thì bạn không có cách nào thay đổi giá của thị trường. Bởi lượng rau của bạn quá ít so với lượng rau của cả nước, do đó phần đóng góp của vào lượng cung không đáng kể để thay đổi demand curve (Do giá của thị trường được xác định khi lượng cung bằng lượng cầu – hay là điểm giao nhau của demand curve và supply curve). Nói nôm na là: “Không có mợ thì chợ vẫn đông”. Sáng nay ngủ dậy bạn quyết định đem ra chợ bán 20 mớ rau hay không (tăng lượng cung một phần nhỏ), thì giá của mỗi mớ rau vẫn là 5,000VND.

Câu hỏi đặt ra: Như vậy bạn không có động cơ gì để bán mỗi mớ rau với giá cao hơn giá thị trường cả (vì như thế sẽ không có khách!). Vậy tại sao bạn không thể bán ít hơn giá thị trường? – Câu trả lời hồi sau sẽ rõ..


Profit: Cần phân biệt giữa hai loại profit. Accounting profit và Economic profit.

Ta đều biết: Profit = Revenue – Cost

Accountant (Kế toán) và Economist (Nhà kinh tế) đồng ý với nhau Revenue là số tiền công ty thu được khi bán được một lượng hàng. Nhưng họ có khái niệm về Cost rất khác nhau. Accountant cho Cost là những gì bạn phải tiêu để duy trì sản xuất (Trả lương cho nhân viên, mua vật tư thiết bị…). Trong khi Economist tính cả Opportunity Cost. Chính vì vậy, do có hai loại cost, nên có hai loại profit:  Accounting profitEconomic profit.

Opportunity Costs: là chi phí bạn phải “trả” hoặc số tiền bạn không nhận được khi bạn không làm việc gì đó.

Ví dụ: nếu bạn là một nhân viên văn phòng kiếm được 10 triệu đồng/tháng. Bạn chán công việc bàn giấy và quyết định đi bán rau muống (sạch). Sau một tháng, bạn thấy rằng mình thu được 12 triệu tiền bán hàng, và bạn phải trả tiền xăng xe đi lại, trả công cho người chăm sóc rau, tổng chi phí là 5 triệu (đây gọi là accounting costs). Như vậy accounting profit của bạn là 12 – 5 = 7 triệu.

Nhưng vì công việc trước đó cho bạn thu nhập 10 triệu. Nên theo kinh tế gia, economic profit của bạn thực ra phải trừ thêm 10 triệu bạn không nhận được khi không đi làm nữa. Lúc này economic profit = 12 – 5 – 10 = -3 triệu. Vậy thực ra bạn đang bị lỗ 3 triệu (economic loss) khi quyết định bán rau thay vì ngồi cặm cụi bên máy tính.

Theo các nhà kinh tế, Economic profit là động cơ thực sự để bạn lựa chọn quyết định của mình (thực ra, ngoài đời người ta có vô số lý do để quyết định làm một việc A thay vì việc B chứ không chỉ dựa vào economic profit, các nhà kinh tế thì luôn phải đơn giản hóa vấn đề đi vì vốn dĩ những gì liên quan tới con người đã rất phức tạp).


Fixed costs: Là chi phí dù bạn không sản xuất gì nhưng bạn vẫn phải trả. Ví dụ như tiền thuê văn phòng, tiền điện nước hàng tháng. Hoặc tiền thuê đất ruộng mặc dù bạn bỏ đất không trồng một cọng rau muốn nào.


Variable costs: Chi phí này thay đổi khi bạn thay đổi lượng sản xuất. Ví dụ bạn quyết định bán ra 100 mớ rau thay vì 20 mớ. Lúc này chi phí cho nhân cộng và phân bón của bạn tăng lên cùng với lượng tăng của lượng rau bán ra. Chi phí đó gọi là variable cost.


Increasing Returns và Diminishing Returns: để hiểu hai khái niệm này, ta có bảng sau

Table 1

Lúc này, bạn quyết định bán nước cam thay vì đi bán rau muống. Đầu tiên khi không có ai làm, lẽ dĩ nhiên không có chai cam vắt nào được sản xuất ra.

Khi chỉ có một mình, mỗi ngày cả bóc vỏ bỏ hột, cả ép cam, bạn làm được 50 chai cam vắt nguyên chất. Returns tăng từ 0 đến 50.

Khi thấy vắt cam vui quá, anh trai bạn quyết định tham gia cùng. Lúc này do có hai người nên một người bóc cam, một người sẽ cho vào máy ép. Cả ngày hai người làm được 140 chai. Tức là returns của việc tăng thêm 1 nhân công là 140-50 = 90.

90>50 nên ta gọi hiện tượng này là Increasing Returns (của việc tăng 1 nhân công).

Khi mẹ bạn thấy ép cam vừa vui vừa có tiền, mẹ bạn quyết định tham gia ép cam cùng. Lúc này nhân công là 3 người. Lượng cam vắt mỗi ngày tăng lên 220 chai. Tuy nhiên, nó tăng từ 140 chai lên 220 chai, nghĩa là returns của việc tăng thêm 1 nhân công là: 220-140 = 80.

80<90. Lúc này ta gọi đó là hiện tượng Diminishing Returns.

Vì sao lại giảm? Bởi việc sản xuất cam ép chỉ có bóc cam và vắt cam. Khi bạn bóc cam và anh bạn vắt cam, thì không có việc gì khác ngoài bóc hoặc vắt. Mẹ bạn chỉ có thể giúp hai người làm nhanh hơn thôi chứ không làm việc mà chưa có ai làm.

Tiếp tục như vậy, nếu càng có thêm người, lượng sản xuất tăng theo từng người càng giảm. Ta tiếp tục có diminishing returns.


Marginal Cost: 

Cứ nhắc tới marginal, các bạn nên liên tưởng ngay tới việc tăng một phần nhỏ lượng output.

MC = Change in TC / Change in q

MC: Marginal cost. TC: Total cost. q: output (quantity)

MC cắt ATC và AVC tại điểm nhỏ nhất của mỗi curve. ATC là Average Total Cost – ta lấy Total Costs chia cho số Output. AVC là Average Variable Cost – ta lấy Tổng Variable costs chia cho số Output. (hình dưới)

pcfig

Để hiểu rõ hơn ta lấy ví dụ về chiều cao. Ví dụ trong phòng có 10 người. Chiều cao trung bình của 10 người này là 160cm. Nếu người thứ 11 bước vào phòng, hỏi chiều cao trung bình của 11 người sẽ thay đổi thế nào:

– Nếu người thứ 11 cao hơn 160cm, chiều cao trung bình sẽ tăng lên

– Người đó thấp hơn 160cm, chiều cao trung bình của những người trong phòng sẽ bị giảm đi

– Người đó cao đúng 160cm, chiều cao trung bình của những người trong phòng không có gì thay đổi.

Quay trở lại với MC. Ta tưởng tượng MC chính là người thứ 11. Còn AVC và ATC là chiều cao trung bình ta có được từ 10 người, cụ thể là chi phí ta tính được sau một thời gian sản xuất.
Lúc này MC chính là chi phí để ta sản xuất thêm 1 unit output (thêm 1 chai cam ép, thêm 1 mớ rau muống), dựa trên những gì ta đã sản xuất được trước đó.

Nghĩa là nếu ta đã sản xuất được 99 chai cam ép, thì chi phí để sản xuất chai thứ 100 ví dụ là 3000vnd. Đó chính là Marginal Cost. Nhưng ta sản xuất được 999 chai, thì chi phí để sản xuất chai thứ 1000 không phải là 3000vnd nữa mà chỉ là 500vnd thôi chẳng hạn. MC khác nhau tùy thuộc vào lượng output đã được sản xuất trước đó.


Marginal Revenue (MR)

Marginal revenue chính là khoản ta thu được khi bán thêm 1 lượng nhỏ output. Ví dụ với mỗi chai bán ra ta thu thêm được 2$ (là giá của chai nước cam), nghĩa là MR là 2$. Marginal revenue được biểu diễn ở đồ thị phía trên là Price. Giá trị này không đổi dù ta sản xuất ra bao nhiêu output đi nữa (vì giả thiết là số output của ta quá nhỏ so với Supply của thị trường, nên lượng ta sản xuất không ảnh hưởng gì tới Supply Curve, nghĩa là nó không ảnh hưởng tới Price)

Chú ý, firms sẽ sản xuất ở mức output cho ra MR = MC. Lúc này firm sẽ có largest gains hoặc smallest loss.

Sorry for long post, here a glass of orange juice for you ^^:

orange_juice_by_scrapler-d6thqlu

(còn tiếp)

Preference – Sở thích

Chào các bạn,

Preference và Choice (Sở thích và Lựa chọn) là các khái niệm nền tảng của một phần môn Kinh tế Vi mô khi nghiên cứu về individual decision problem (các vấn đề liên quan tới lựa chọn/quyết định cá nhân). Chắc vì nghiên cứu về hành vi của cá nhân nên môn này mới gọi là Vi mô :D.

Mỗi cá nhân thì có nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống. Các nhà kinh tế gọi các lựa chọn đó là X, hay: tập hợp các lựa chọn khác nhau (set of possible mutually exclusive alternatives). Ví dụ nếu bạn vừa thi tốt nghiệp cấp 3 xong, tập X của bạn sẽ gồm: X = {học đại học, học nghề, đi du lịch thế giới, lập ban nhạc, đi buôn, đi xuất khẩu lao động, kết hôn….}. Nếu bạn là một cậu nhóc học lớp 1 vừa bắt đầu nghỉ hè, X của bạn sẽ gồm {đi học thêm, về quê chơi, đi biển với bố mẹ…}.

Vấn đề đặt ra là lcác nhà kinh tế làm thế nào có cách logic và khoa học để biết một cá nhân sẽ chọn alternative nào trong tập X của họ?

Có hai phương pháp để mô hình hóa lựa chọn của cá nhân như sau: (1) Dựa trên Sở thích (Preference-based approach): sẽ dựa trên sở thích, thị hiếu của một người để nghiên cứu về cách họ ra quyết định. Ví dụ sở thích của bạn là đi chơi hơn nằm nhà xem phim thì điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới các quyết định của bạn. (2) Dựa trên lựa chọn (Choice-based approach)

Hôm nay mình sẽ chỉ nói đến preference (Sở thích, sự ưu tiên)). Bài được viết dựa trên cuốn Microeconomic Theory của Mas-Colell, Whinson và Green

Preference Relation: Mối quan hệ ưu tiên. Mối liên hệ giữa các alternative trong tập X được đơn giản hóa qua preference relation.